6 tháng 8, 2008

Những nỗ lực to lớn để dự phòng HIV đã gia tăng và tạo nên kết quả khả quan nhưng vẫn chưa đủ để đảo ngược tình hình dịch


Những nỗ lực to lớn để dự phòng HIV đã gia tăng và tạo nên kết quả khả quan nhưng vẫn chưa đủ để đảo ngược tình hình dịch
Số ca nhiễm mới và số người tử vong liên quan đến AIDS giảm nhưng dịch AIDS vẫn chưa kết thúc ở nơi nào trên thế giới

Ngày 30 tháng 7 năm 2008 - Theo số liệu mới được nêu trong Báo cáo về dịch AIDS toàn cầu năm 2008 của UNAIDS, đã có những kết quả đáng kể trong ngăn chặn những trường hợp nhiễm mới ở nhiều quốc gia bị tác động nặng nề bởi dịch AIDS. Ở Rwanda và Zimbabwe, việc thay đổi hành vi tình dục đã khiến cho số nhiễm mới HIV giảm xuống.

Việc sử dụng bao cao su đang gia tăng trong nhóm thanh niên có nhiều bạn tình ở nhiều quốc gia. Một dấu hiệu đáng khích lệ khác là độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục trong thanh niên đang muộn hơn. Điều này đã được quan sát tại 7 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là Burkina Faso, Cameroon, Ethiopia, Ghana, Malawi, Uganda và Zambia. Ở Cameroon, tỷ lệ thanh niên có quan hệ tình dục trước độ tuổi 15 đã giảm từ 35% xuống còn 14%.

Từ năm 2005 đến 2007, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị kháng virus để dự phòng lây truyền mẹ con đã tăng từ 14% lên 33%. Cũng trong khoảng thời gian này, số trẻ em nhiễm HIV mới đã giảm từ 410.000 trường hợp xuống còn 370.000 trường hợp.

Một số quốc gia như Argentina, Bahamas, Barbados, Belarus, Cuba, Botswana, Georgia, Mololdova, Liên bang Nga, và Thái Lan đã gần đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập, với độ bao phủ của các chương trình dự phòng lây truyền mẹ con đạt được 75%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng kết hợp ý chí và nỗ lực của các chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng bị tác động bởi dịch có thể tạo ra sự khác biệt.

Khoảng 105 quốc gia đã đặt ra mục tiêu và chỉ tiêu nhằm đạt được tiếp cận phổ cập tới dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV đến năm 2010.

Tiến sĩ Peter Piot, Giám đốc điều hành của UNAIDS nói “Những thành tựu trong dự phòng nhiễm mới và điều trị cho những người sống với HIV nhằm cứu sống nhiều sinh mạng cần phải được duy trì trong thời gian dài. Những kết quả đạt được trước mắt này là nền tảng để tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực dự phòng và điều trị và không thể tự mãn với những kết quả này”.

Tình hình dịch trên toàn cầu
Từ năm 2001, những ca nhiễm HIV mới đã giảm từ 3 triệu người xuống còn 2,7 triệu người trong năm 2007 (dao động từ 2,6 đến 3,5 triệu xuống còn 2,2 triệu đến 3,2 triệu). Mặc dù số nhiễm HIV mới đã giảm ở một số quốc gia nhưng dịch vẫn chưa kết thúc ở bất kì nơi nào trên toàn thế giới.

Tỷ lệ nhiễm HIV mới đang gia tăng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Kenya, Mozambique, Papua New Guinea, Liên bang Nga, Ukraine và Việt Nam. Việc gia tăng những ca nhiễm HIV mới cũng quan sát được ở một số quốc gia nơi dịch được phát hiện sớm nhất cũng như số các ca mới nhiễm cũng tăng ở những quốc gia như Đức, Anh và Australia.

Dịch trên toàn cầu đã chững lại về mặt phần trăm người nhiễm (tỷ lệ hiện nhiễm) trong khi tổng số người sống với HIV trên toàn cầu đã tăng lên 33 triệu người với khoảng 7.500 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày.

Việc điều trị đang cứu nhiều mạng sống
Theo báo cáo được thực hiện trong năm 2008, khoảng 3 triệu người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình hiện đang được điều trị kháng virus. Nambia đã mở rộng điều trị từ 1% năm 2003 lên 88% trong năm 2007. Tương tự như vậy, Campuchia đã mở rộng điều trị từ 14% trong năm 2004 lên tới 67% trong năm 2007. Những quốc gia khác hiện đã gần đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập điều trị là Botswana, Brazil, Chile, Costa Rica, Cuba và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ở phần lớn các khu vực trên thế giới, phụ nữ hiện đang được điều trị ARV nhiều hơn so với nam giới.

Một phần do mở rộng điều trị nên trong hai năm qua số ca tử vong có liên quan đến AIDS đã giảm từ 2,2 triệu xuống còn 2 triệu ca trong năm 2007 (dao động từ 1,9 triệu - 2,6 triệu xuống còn 1,8 triệu - 2,3 triệu).

Tuy nhiên, AIDS vẫn tiếp tục là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở châu Phi nơi chiếm tới 67% trong tổng số người sống với HIV trên toàn cầu. Ở châu Phi, 60% người sống với HIV là phụ nữ và cứ 4 thanh niên sống với HIV trẻ tuổi thì có 3 người là phụ nữ.

Cần quan tâm hơn nữa tới những người có nguy cơ nhất
Kể từ năm 2005, đã có nhiều nỗ lực dự phòng HIV tập trung vào nhóm hành nghề mại dâm, nam tình dục đồng giới và những người tiêm chích ma túy. Ví dụ, trong số 39 quốc gia báo cáo về tiếp cận dịch vụ dự phòng HIV của những người hành nghề mại dâm thì độ bao phủ trung bình đã đạt được 60%. Gần 50% số người tiêm chích ma túy ở 15 quốc gia và 40% nam tình dục đồng giới ở 27 quốc gia đã tiếp cận được tới dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

Ở hầu hết tất cả các khu vực trên thế giới trừ khu vực cận Sahara ở Châu Phi, các ca nhiễm HIV chủ yếu trong số những nhóm người tiêm chích ma túy, nam tình dục đồng giới và những người hành nghề mại dâm. Ở những quốc gia nơi có đạo luật bảo vệ những người thuộc các nhóm có nguy cơ không bị phân biệt đối xử thì việc tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng của các nhóm này thường tốt hơn.

“Hiểu về tình hình dịch ở quốc gia” vẫn là một nguyên tắc quan trọng để có được các nỗ lực dự phòng hiệu quả. Những xu hướng của dịch ở mỗi khu vực và mỗi quốc gia đã thay đổi trong thời gian qua. Ở Thái Lan, trước kia lây truyền HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục với người hành nghề mại dâm và tiêm chích ma túy, nhưng giờ đây việc lây nhiễm HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục giữa vợ chồng.

Tiến sĩ Thoraya Obaid, Giám đốc điều hành của UNFPA cho biết “Các quốc gia cần hướng trọng tâm của các chương trình dự phòng HIV ở những nơi có nhiều ca nhiễm mới. Hiểu được tình hình dịch và có sự kết hợp phù hợp giữa các can thiệp là cần thiết để có được ứng phó hiệu quả. Ở nhiều nơi, thanh niên và phụ nữ là những người cần được chú ý đặc biệt”

Các nỗ lực dự phòng HIV ở Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng
Việt Nam đang ngày càng tập trung nỗ lực để tiếp cận nhiều hơn những nhóm dân cư có nguy cơ cao. Trong năm 2007, ước tính có 65% phụ nữ hành nghề mại dâm, 26% nam quan hệ tình dục đồng giới và 43% nam giới tiêm chích ma túy đã tiếp cận được tới các chương trình dự phòng HIV.

Các dự án khuyến khích sử dụng bao cao su ở cấp cộng đồng thuộc năm tỉnh đã mang lại kết quả là tăng hành vi an toàn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với khách làng chơi của phụ nữ mại dâm trên đường phố lên gấp 3 lần từ 20% trong năm 2001 lên 60% trong năm 2004, tỉ lệ sử dụng bao cao su với chồng hoặc bạn tình cũng tăng lên gấp đôi trong cùng quãng thời gian này.

Ngài Jean-Marc Olive, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nói "Trong những năm gần đây Việt Nam đã mở rộng các chương trình mục tiêu dự phòng HIV và điều trị kháng vi rút. Chỉ trong năm ngoái, hơn 11 triệu bơm kim tiêm đã được phân phát cho những người tiêm chích ma túy và khoảng 30% những người cần điều trị đã được điều trị kháng vi rút".

"Dự phòng là cách bảo vệ hiệu quả nhất và chúng ta đã nhìn thấy sự đền đáp cho những đầu tư của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục cần sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam để đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập cho tất cả mọi người và đảo ngược tình hình dịch,” Ngài Eamonn Murphy, Giám đốc Quốc gia của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam phát biểu.

Hướng tới phía trước
Báo cáo này được công bố trước thềm Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ XVII tổ chức tại Mexico. Sự kiện này sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách, các học giả, các nhà hoạt động, các nhóm cộng đồng và các đối tác khác để nhìn lại những bài học đã đúc rút được và xây dựng động lực mới nhằm đạt được các mục tiêu tiếp cận phổ cập vào năm 2010 và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015.

Ông Kemal Dervis, Quản lý điều hành của UNDP cho biết “Ứng phó với AIDS là một mục tiêu quan trọng của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nó có tác động trực tiếp đến việc đạt được các mục tiêu khác đến năm 2015. Những tiến bộ chúng ta đã đạt được trong ứng phó với AIDS sẽ đóng góp vào những nỗ lực của chúng ta nhằm xóa đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe bà mẹ. Đồng thời, những tiến bộ nhằm đạt các mục tiêu khác như giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới, phổ cập giáo dục là cần thiết nếu chúng ta muốn ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của AIDS”

Ứng phó lâu dài
AIDS là một vấn đề lâu dài và đòi hỏi phải có sự ứng phó dựa trên các bằng chứng và quyền con người. Nó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ có thể đảm bảo thực hiện các cam kết trong thời gian dài. Báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo tiếp cận các vấn đề như tình dục và sử dụng ma túy từ khía cạnh quyền con người.

Những ứng phó với HIV đòi hỏi phải có nguồn tài chính đảm bảo trong thời gian dài. Khi ngày càng có nhiều người được điều trị và tuổi thọ kéo dài hơn thì ngân sách dành cho HIV sẽ phải tăng lên trong vài thập kỷ tiếp theo. Các nhà tài trợ sẽ phải dành đa số tiền tài trợ cho các hoạt động ứng phó với AIDS ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, cho dù khi ngân sách trong nước dành cho HIV đã tăng lên ở các quốc gia này. Ứng phó sẽ được tăng cường hơn bởi những cam kết như khoản tài trợ 48 tỉ đô la Mỹ của Chính phủ Mỹ gần đây. Các nước công nghiệp phát triển G8 tại cuộc họp gần đây tổ chức ở Nhật Bản cũng đã nhất trí tiếp tục cam kết của mình trong việc tiếp tục hành động hướng tới mục tiêu tiếp cận phổ cập tới dự phòng và điều trị HIV đến 2010.

“Mở rộng ứng phó với AIDS hướng tới tiếp cận phổ cập phải dựa trên bốn giá trị chính - cách tiếp cận dựa trên quyền, đa ngành, kết quả hướng tới con người, và sự tham gia của cộng đồng. Đây là những giá trị không thể bàn cãi” Tiến sĩ Piot nói.

UNAIDS Việt Nam
Eamonn Murphy, murphye@unaids.org, +84-4 734 2824, mob: (84) 91 87 62 620
Nguyen Thi Phuong Mai, nguyenm@unaids.org, +84-4 734 2824, mob: (84) 91 21 40 645

UNAIDS Geneva
Sophie Barton-Knott | bartonknotts@unaids.org | tel. +41 22 791 1697

UNAID New York
Jonathan Rich | jonathan@jcrcommunications.com | tel. +1 347 262 9115

Về Báo cáo dịch AIDS toàn cầu năm 2008 của UNAIDS
Báo cáo dịch AIDS toàn cầu năm 2008 do UNAIDS và các cơ quan đồng tài trợ thực hiện là báo cáo toàn diện nhất về ứng phó với AIDS. Báo cáo sử dụng số liệu của 147 quốc gia trên cơ sở 25 chỉ tiêu chính được nêu trong Tuyên bố Cam kết về HIV/AIDS của Liên Hợp quốc được thông qua năm 2001, và Tuyên bố Chính trị được thông qua tại Cuộc họp Cấp cao về AIDS năm 2006. Những thông tin đưa ra trong báo cáo này giúp cho người đọc có thể đánh giá được những tiến bộ đã đạt được kể từ năm 2001 và xác định được những điểm mạnh và những tồn tại trong ứng phó với AIDS cho đến nay.

Về UNAIDS
UNAIDS là một sáng kiến của Liên hợp quốc, tập hợp những nỗ lực và nguồn lực của Ban thư ký UNAIDS và 10 tổ chức trong hệ thống LHQ nhằm ứng phó với AIDS. Văn phòng chính của UNAIDS đặt tại Geneva, Thụy Sĩ với văn phòng hoạt động ở hơn 80 quốc gia. Hoạt động phòng chống AIDS của hệ thống các tổ chức LHQ được điều phối ở các quốc gia thông qua các nhóm chuyên đề của LHQ và các chương trình phối hợp phòng chống AIDS. Các cơ quan đồng tài trợ của UNAIDS bao gồm UNHCR, UNICEF, WFP, UNDP, UNFPA, UNODC, ILO, UNESCO, WHO và Ngân hàng Thế giới. Truy cập trang web của UNAIDS tại địa chỉ www.unaids.org.

Không có nhận xét nào: